Có bao giờ bạn gặp một vấn đề nào đó, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần? Mỗi lần gặp vấn đề đó, bạn đã thử những cách khác nhau, nhưng kết quả vẫn tệ như vậy? Và bạn bế tắc, bạn nghĩ mình đã làm mọi cách rồi, còn mỗi cách duy nhất là buông xuôi?
Nếu bạn đã và đang ở trong những tình trạng và tâm trạng như thế, cứ bình tĩnh nhé. Rất có thể là bạn chưa tìm ra đúng được gốc rễ của vấn đề. Những cách mà bạn đã thử trước đó chỉ là những giải pháp ngắn hạn. Vì thế bạn cứ vá víu, cứ sửa xiên xẹo, xong một thời gian sau, vấn đề lại hỏng đúng chỗ đó. Tương tự như việc bạn có uống thuốc, nhưng không phải thuốc trị cho đúng bệnh của bạn vậy.
Thế, làm cách nào để tìm ra được một giải pháp triệt để? Trước tiên, bạn cần phải tìm hiểu được gốc rễ của vấn đề đó đã. Có một phương pháp xác định gốc rễ vấn đề khá đơn giản, đó là: 5 Whys – Đặt 5 lần câu hỏi tại sao cho một vấn đề.
Ví dụ, 2 tuần gần đây, sản phẩm của bạn có một tính năng làm chậm hơn dự kiến. Bạn có thể tìm gốc rễ vấn đề với 5 Whys như sau:
- Why 1: Tại sao tính năng này lại bị ra mắt chậm hơn dự kiến?
- Vì có sự thay đổi yêu cầu vào thời điểm sắp hoàn thiện tính năng.
- Why 2: Tại sao lại có yêu cầu thay đổi vào thời điểm sắp hoàn thiện tính năng?
- Vì lúc đó phát hiện ra một lỗi ảnh hưởng tới tính năng cũ đã có.
- Why 3: Tại sao việc phát hiện lỗi ảnh hưởng này lại không được diễn ra sớm hơn?
- Vì tester phải đợi developer làm xong mới test được.
- Why 4: Tại sao cứ phải đợi developer làm xong thì mới tester mới test được?
- Vì quy trình và cách làm hiện tại đang là như thế.
- Why 5: Tại sao quy trình hiện tại lại bắt buộc phải làm như vậy?
- Vì trước giờ chúng ta chấp nhận quy trình đó và chưa ai nghĩ đến chuyện cải tiến cả.
Đó, áp dụng phương pháp đặt 5 câu hỏi tại sao, có thể bạn sẽ thấy vấn đề không phải như bạn nghĩ ban đầu. Có thể không phải một bạn developer nào đó làm ẩu gây ra lỗi, cũng không phải do bạn tester test muộn nên ảnh hưởng kết quả cả team. Rất có thể do chính cách làm của chúng ta đã tạo ra một hệ quả chậm tiến độ thường xuyên tất yếu.
Nếu bạn đổ lỗi hay chỉ trích cho các member trong team, có thể bạn đang dùng một giải pháp ngắn hạn. Kết quả những tuần sau có thể còn tệ hơn, team chậm tiến độ nhiều lần hơn, member căng thẳng và mất động lực nhiều hơn. Vì gốc rễ của vấn đề vẫn còn đó.
Thế nên, mình có một lời khuyên cho bạn: khi gặp vấn đề, đừng vội tìm cách giải quyết vấn đề đó ngay. Hầu hết các giải pháp thực hiện được ngay mà không phải nghĩ nhiều thì đều là các giải pháp ngắn hạn. Chúng thường không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Và, khi bạn cảm thấy bế tắc, bạn nghĩ bạn đã làm đủ mọi cách rồi, thì cũng hãy cứ bình tĩnh suy nghĩ lại nhé. Rất có thể những cách bạn đã cố gắng làm vẫn không phải là giải pháp triệt để cho vấn đề.
Cũng có thể là bạn chưa làm đủ mọi cách như bạn tưởng đâu.