- “Vấn đề này khó rồi, phải chờ người khác thôi, mình không làm được gì nữa rồi.”
- “Khả năng của mình chỉ làm nhân viên được thôi, mình không thể làm quản lý được”
- “Mình chỉ biết làm thôi, mình không có khả năng thuyết trình, vì thế mình không thể đào tạo, dẫn dắt ai được.”
- “Mục tiêu này khó quá, mình không thể làm được đâu”
Theo bạn, những câu nói trên có điểm chung là gì? Từ góc nhìn của mình, điểm chung của những câu nói trên là một bức tranh có khung viền chật chội. Những bức tranh đang đè nén, kìm hãm không gian của nhân vật trung tâm. Và thật bi hài, những khung viền đó lại được tạo ra bởi chính nhân vật trung tâm.
Bạn có nhìn thấy mình trong chính những bức tranh này không? Mình thì có.
Đã rất nhiều khi, mình tự đóng khung chính mình. Mình nói với bản thân là mình không thể, mình không đủ khả năng, hoặc mình không làm được đâu. Và mỗi khi mình nói như vậy, thật ngạc nhiên, nhưng không có gì bất ngờ: mình không làm được thật. Những chiếc khung tranh ma thuật.
Mình đã từng bế tắc. Đã rất nhiều lần, mình va đập vào viền chiếc khung do chính mình tạo ra. Mình đã mãi như thế, cho đến một ngày, mình chợt nghĩ..
Hồi nhỏ, rất nhiều điều mình không biết, rất nhiều điều mình thật sự không làm được. Biết bò, biết đi, biết nói, biết chạy. Biết làm toán, biết làm văn, biết đạp xe, biết lập trình, biết nói lời yêu thương, v.v… Tất cả những cái mình đã biết đó, hồi bé, thực sự mình không thể qua một đêm là làm ngay được.
Tất cả đều cần phải có sự rèn luyện kiên trì, từng bước, từng bước một. Cần phải học lý thuyết rồi phải thực hành thật nhiều. Cần vấp ngã, rồi lại đứng dậy thật nhiều. Xong đến một lúc, bỗng nhiên mình thành thạo. Và đến khi đó, những thứ không thể kia, bỗng dưng lại thành những việc hiển nhiên quá dễ dàng.
Mình tự hỏi, thế tại sao những thứ không thể làm được bây giờ, những chiếc khung ma thuật kia, sao mình lại thấy khó đến vậy?
Rồi mình chợt nhận ra: ngày bé, dù chẳng biết gì, nhưng đối với mình, không gì là không thể. Những đứa trẻ, với những ước mơ lớn lao, chưa bao giờ biết sợ, chưa bao giờ nản lòng khi vấp ngã.
Vậy hóa ra lớn lên, chỉ vì biết sợ, biết đau, nên mình tự đóng khung mình? Mình tự hạn chế khả năng của mình, để không vấp ngã, để không đau, và cũng để hạn chế sự trưởng thành?
Kể từ khi hiểu ra điều đó, mình tập cách bỏ qua những chiếc khung tranh. Những việc nào đáng làm, dù khó đến mấy, không bao giờ mình nghĩ là không thể. Mặc dù bước ra ngoài những chiếc khung, cũng chông chênh lắm đấy. Sẽ có những vấp ngã, sẽ có những con sông quê, nhưng cũng có rất nhiều sự trưởng thành xứng đáng.
Và thật hay là khi hình thành được thói quen bỏ qua những chiếc khung, thì chúng, những chiếc khung sẽ biến mất. Những việc không thể, dần bỗng nhiên dần trở thành thứ có thể, rồi trở thành thứ chắc chắn có thể.
Mình có thể đến thẳng nơi đồng nghiệp, mở lời giúp đỡ họ, để rồi họ có thời gian giúp lại mình. Mình có thể làm được quản lý. Mình có thể thuyết trình, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho anh em. Mình đã đạt được những mục tiêu mà khi mới biết đến nó, mình chẳng nghĩ ra cách nào để có thể đạt được cả. Có những điều giờ đây đối với mình, chúng dễ dàng như đạt điểm 10 môn toán lớp 1 vậy.
Và khi bỏ đi những chiếc khung, sẽ chẳng còn vướng bận gì nữa. Chẳng có sợ hãi, chẳng có bế tắc, cũng chẳng có nỗi đau. Trước mắt, chỉ luôn có những mục tiêu thách thức, luôn là những cơ hội để chiến thắng chính mình. Luôn là chân trời rộng mở.
Mình tin rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những ước mơ lớn. Đừng để sự sợ hãi khi lớn khôn cản trở những ước mơ này của bạn.
Và mình tin rằng bất cứ ai cũng có thể làm được bất cứ điều gì, chỉ cần họ thực sự muốn làm và thực sự nghĩ là họ có thể làm được.
Vì thế, hãy tự tin lên bạn nhé. Đừng tự đóng khung bản thân mình bằng những giới hạn do chính mình đặt ra.