Lãng phí

Có một sự thật là rất nhiều người hiểu Tinh gọn như một công cụ để cắt giảm lãng phí.

Thực tế, để mắt tới lãng phí (Eyes on Waste) chỉ là một thành phần của Kaizen, tinh thần cải tiến liên tục, một viên gạch trong trụ cột Cải tiến liên tục của tư duy Tinh gọn. Quản lý và cắt giảm lãng phí không phải là mục đích của tư duy Tinh gọn.

Một minh họa phổ biến về việc loại bỏ lãng phí mù quáng là: tối ưu giảm lãng phí khi chạy tiếp sức. Chạy tiếp sức là môn thể thao gồm 4 vận động viên, trong đó 3 vận động viên khác phải chờ chiếc gậy từ đồng đội để tiếp tục về đích. Nếu một vận động viên về đích trước mà không có cây gậy tiếp sức trong tay thì đội đó vẫn thua.

Nhìn từ góc độ tài chính và hiệu suất, có thể bạn sẽ thấy 3 vận động viên phải chờ 1 vận động viên chạy là quá lãng phí. Có vẻ nó giống với lãng phí chờ đợi (delay/wait), thứ mà theo tư duy Tinh gọn sẽ cần phải loại bỏ.

Bạn hăm hở loại bỏ lãng phí đó bằng cách bắt tất cả vận động viên chạy cùng lúc. Chứ gì nữa, 4 người liên tục chạy thì phải nhanh hơn 3 người đợi 1 người chứ. Và có 2 kết quả dễ thấy:

  1. Vận động viên chạy đầu tiên không bao giờ đuổi kịp đồng đội để trao gậy.
  2. Đội của bạn bị xử thua vì phạm luật xuất phát sớm.

Nghe việc bắt vận động viên phải chạy luôn cho đỡ phí thời gian, bạn thấy rất buồn cười, đúng không nào? Nhưng thực tế lại có rất nhiều team, rất nhiều công ty bắt member phải chạy sớm lên cho đỡ phí, mà không thấy ai cười cả. Haha.

“Watch the baton, not the runners” – Hãy chỉ theo dõi cây gậy (tiếp sức), đừng quan sát các vận động viên. Tất cả tối ưu chỉ nhằm mục đích để cây gậy tiếp sức di chuyển nhanh hơn trên đường đua, chứ không phải là làm cho các vận động viên bận rộn.

Tôn chỉ này tưởng như là dành riêng cho môn chạy tiếp sức, nhưng thực tế đó là phương pháp nhất quán để cải tiến liên tục và loại bỏ lãng phí của Lean thinking.

Vậy, làm thế nào để tối ưu sự di chuyển của cây gậy tiếp sức? Có nhiều cách hiệu quả lắm, mình có thể kể mãi mà không hết, nên thôi, kể sau nhé.

Nhưng có một cách mình biết chắc chắn sẽ không hiệu quả, đó là bắt tất cả các vận động viên phải luôn bận rộn. Đừng làm thế nhé, làm vậy thì team của bạn sẽ không bao giờ chiến thắng được đâu.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *