Tôn trọng người khác

Nếu bạn tìm hiểu về Tư duy Tinh gọn (Lean Thinking), có thể bạn sẽ nghe tới khái niệm Lean Thinking House và The two pillars of Lean Thinking (hai trụ cột của Tư duy Tinh gọn). Hai trụ cột đó là: Tôn trọng người khác (Respect for People) và Cải tiến liên tục (Continuous Improvement).

Trong hai trụ cột này, có lẽ Cải tiến liên tục thường được nhắc nhiều hơn khi nói về Tư duy Tinh gọn. Điều này cũng khá dễ hiểu, vì thông thường phải cải tiến cái gì đó thì mới tinh gọn được, nhỉ?

Nhưng, quên mất trụ cột Tôn trọng người khác thì rất có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Lean Thinking House. Tổ chức của bạn sẽ Cải tiến liên tục, nhưng sẽ không thể Tinh gọn nếu như thiếu vắng đi trụ cột Tôn trọng người khác.

Vậy, để Tinh gọn, thì Tôn trọng người khác sẽ trông như thế nào? Cùng ngẫm nhé.

Tôn trọng khách hàng

Khách hàng là những người trả tiền cho nỗ lực của bạn. Khi họ trả tiền cho bạn, họ đã trao cả niềm tin của họ cho bạn. Họ tin tưởng vào uy tín của bạn, họ tin rằng nỗ lực của bạn sẽ giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Hãy tôn trọng sự tin tưởng của họ, cũng như tôn trọng uy tín của chính bạn.

Cố gắng đừng lãng phí sự tin tưởng và uy tín này. Đừng làm phiền khách hàng của bạn. Đừng đưa sản phẩm nhiều lỗi cho họ, đừng bắt họ phải chờ đợi, đừng bắt họ phải vất vả làm những việc dư thừa chỉ vì sản phẩm của bạn không đủ tốt.

Tôn trọng đồng đội của bạn

Tôn trọng bản ngã của con người

Nhân chi sơ tính bản thiện. Chẳng ai muốn đi làm chỉ để ngồi hết giờ rồi về cả. Sẽ luôn có một nguyên nhân nào đó khiến đồng nghiệp của bạn mất niềm tin hoặc mất động lực làm việc.

Hãy tin tưởng và tôn trọng sự chính trực nơi các đồng đội của mình. Hãy cùng tìm tới gốc rễ vấn đề để giúp họ khơi lại những niềm tin và ngọn lửa đã tắt.

Tôn trọng nỗ lực

Trước khi bạn trở thành đồng đội của họ, thực sự họ cũng đã rất nỗ lực rồi. Hãy tôn trọng những nỗ lực đó, trước khi bạn muốn cải tiến bất cứ điều gì.

Và luôn ghi nhớ rằng, bất cứ cải tiến nào của bạn, đều là để giúp những nỗ lực của đồng đội đạt hiệu quả cao hơn, chứ không phải là để phủ nhận những nỗ lực trong quá khứ của họ.

Tôn trọng quan điểm, cách làm

Đứng từ vị trí của bạn, bạn có một góc nhìn. Đứng từ phía đồng đội, góc nhìn có thể sẽ khác. Hãy tôn trọng góc nhìn của họ, hiểu hoàn cảnh của họ.

Cố gắng diễn giải góc nhìn của bạn gần nhất có thể với góc nhìn của họ để tìm ra tiếng nói chung. Từ đó hướng họ tới những tầm nhìn xa hơn, những mục tiêu cao hơn, để cùng nhau đạt được những điều lớn lao đó.

Tôn trọng đối tác của bạn

Đối tác là những tổ chức, những người khác, đang cùng giúp bạn đạt được mục tiêu. Ví dụ bạn làm một ứng dụng thương mại điện tử, sẽ có đối tác giúp bạn nhận tiền thanh toán của khách hàng, sẽ có đối tác vận chuyển sản phẩm cho bạn, có đối tác giúp bạn quảng cáo ứng dụng.

Hãy xây dựng quan hệ lâu dài với họ, dựa trên sự tin tưởng và chính trực của bạn. Hãy cùng họ giải quyết những vấn đề chung, đừng đẩy phần khó, phần mệt mỏi sang cho họ. Cũng đừng tìm cách lợi cho mình mà tổn hại cho đối tác.

Nếu bạn lựa chọn kỹ càng, thì đối tác của bạn cũng là một tổ chức gồm những con người xuất sắc, và họ cũng đang nỗ lực để phát triển thần tốc giống như tổ chức của bạn. Hãy giúp họ phát triển như giúp chính mình vậy. Hoặc chí ít, đừng đối xử tệ với họ, nếu bạn muốn họ đối xử tốt với mình.

Thế đó, Tôn trọng người khác đối với Tư duy tinh gọn chỉ là như vậy. Không quá khó để thực hiện, phải không nào? Và, bạn muốn áp dụng Tư duy tinh gọn vào tổ chức của mình?

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *