Ba quy luật của hiệu quả

Cuốn sách này là tài liệu khuyến nghị nên đọc của một khóa tư duy lãnh đạo mà mình đã được học. Một khóa học xuất sắc, một khóa học đã làm thay đổi thế giới quan và phong cách quản trị của mình rất nhiều. Chính vì thế, đối với mình, đây chắc chắn là cuốn sách nên đọc. 10 điểm, không có nhưng.

Đương nhiên, một cuốn sách giá bìa 129k thì không thể xuất sắc như khóa học hàng trăm triệu được. Vì thế hãy tiết chế sự kỳ vọng của bạn lại nhé. Nhưng theo quan điểm của mình, cuốn sách cũng đã bao hàm các quy luật bất biến của đột phá hiệu suất cao, đủ để bạn bắt đầu thử thực hành.

Cách viết của quyển sách thì cũng tương tự nhiều cuốn sách thể loại: đưa ra một vài quan điểm, kể những câu chuyện để làm rõ và chứng minh những quan điểm đó hiệu quả, rồi người đọc thu nhặt được gì thì tùy. Có người đãi được cát, có người lại tìm được vàng. Nhìn chung đây là một cuốn sách cũng dễ đọc. Cái khó đón nhận của cuốn sách này là ở quan điểm được đưa ra.

Thông thường, những quyển sách khác sẽ dẫn dắt người đọc từ thực tế hiện hữu, để người đọc dễ liên tưởng tới bản thân, sau đó dễ “bánh cuốn” theo ý đồ của tác giả. “Ba quy luật của hiệu quả” là một trong số ít những cuốn sách đưa ra quan điểm theo một cách nghĩ khác đi. Không ngược lại cái gì cả, không lối mòn, mà nghĩ hẳn theo một cách khác.

Khi chia sẻ cuốn sách này với một số người bạn, hầu hết phản hồi mình nhận được sẽ nằm ở một trong hai thái cực: Một là không tin những quy luật này có hiệu quả. Hai thì sẽ tin những quy luật này.. là một thứ đa cấp biến tướng.

Số người mà mình biết tin rằng ba quy luật này có hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đó là thứ thú vị của cuốn sách này. Bí kíp vô địch thiên hạ mà dễ học như 300 bài code thiếu nhi thì chắc chỉ tồn tại trong truyện kiếm hiệp.

Quay lại cuốn sách, điều tâm đắc nhất đối với mình cũng chính là quy luật số 1 của hiệu quả: “Kết quả mà mỗi người đạt được tương ứng với cách thức họ nhìn nhận tình huống xảy ra với mình”. Bạn đạt được kết quả như thế nào, với hiệu suất cao hay thấp, là do cách bạn nhìn, cách bạn nghĩ, và cách bạn đặt mục tiêu.

Có lẽ chính vì ngay quy luật đầu tiên đã có góc nhìn này, nên người đọc thường có cảm giác đang tham gia vào một mạng lưới đa cấp. “Năm nay mục tiêu của tôi là kiếm hàng nghìn tỷ, tôi tin là tôi xứng đáng nhận được kết quả này”. Nghe quen không? Haha.

Nhưng, ba quy luật hiệu quả này lại không phải đa cấp.

Để giải thích quy luật này theo một cách dễ hiểu nhất, mình thường hay trích dẫn câu nói nổi tiếng của Henry Ford: “Khi bạn nghĩ rằng mình không thể, bạn đã đúng rồi đấy. Còn khi bạn nghĩ mình có thể, bạn cũng đúng luôn.”

Hình ảnh ấn tượng nhất mà mình được học để diễn giải cho quy luật số 1 của hiệu quả, đó là tốc độ thay thế phụ tùng tại pit stop sau những vòng đua F1. Clip mình được xem trong khóa học là của đội Ferrari, khi đó họ phá kỷ lục thế giới ở pit stop với thời gian 2,32 giây. (hai phẩy ba hai giây, chứ không phải là hai phút ba hai giây nhé)

Nếu bạn đã từng xem những clip về lịch sử pit stop, thì những ngày đầu, thời gian thay phụ tùng tại pit stop là khoảng hơn 15 phút. Đương nhiên, công nghệ thay đổi cũng giúp cho việc tối ưu thời gian tại pit stop tốt hơn rất nhiều. Nhưng sự phối hợp đồng đội nhịp nhàng, cùng với những động tác chính xác đến từng milimet, những động tác có được sau khi thực hành rèn luyện hàng nghìn giờ, mới là thứ làm cho mình mê đắm.

Tất cả những sự phối hợp và động tác đó, 50 năm trước, dường như là không thể. Nhưng chỉ với mục tiêu là ngày càng nhanh hơn, thì từ 15 phút đã xuống còn 2,32 giây. Một sự không tưởng có thật!

Đấy, chỉ một trong những hoạt động nhỏ, nhưng cực kỳ quan trọng (nhiều cuộc đua F1, nhà vô địch chỉ hơn người về nhì có vài phần trăm giây), với một mục tiêu rõ ràng, các đội đua F1 đã biến những kết quả không tưởng thành những sự thật hiển nhiên.

Và bạn biết điều gì thú vị hơn nữa không? Năm mình được học khóa học hiệu suất cao đó, năm mà mình được xem clip 2,32 giây của Ferrari, thì đội đua Red Bull đã tạo ra kỷ lục thế giới mới, 1,92 giây!

Nhưng, bạn có biết kỷ lục thế giới hiện tại đang thuộc về đội nào không? Không phải Red Bull, mà là McLaren vào năm 2023, với 1,78 giây! Những hiện thực không tưởng!

Tổng kết lại, “Ba quy luật của hiệu quả” là một cuốn sách nên đọc. Để đọc được cuốn sách này, bạn cần phải sẵn sàng mở rộng tâm trí, sẵn sàng đón nhận những thứ khác ngày thường của bạn.

Còn nếu bạn thấy rằng cuộc sống hàng ngày của bạn quá ổn, chẳng cần đột phá gì thêm; hoặc bạn không tin có cách nào đó để đột phá, thì bạn nên để dành thời gian của bạn cho những cuốn sách khác phù hợp hơn.

Lưu ý: Nhà mình vẫn đang còn một cuốn “Ba quy luật của hiệu quả”. Bạn nào hứng thú thì comment để mình gửi cho bạn đọc nhé.