Cho đi để cho đi

Mình ít khi cho tiền những người ăn xin. Phần vì bị ảnh hưởng bởi luồng dư luận rằng: ăn xin ở Hà Nội là một nghề, ăn xin nào cũng có bảo kê hết rồi, cho tiền họ chỉ làm giàu cho một số kẻ xấu thôi. Phần nữa thì vì mình không mấy thiện cảm với cách xin của những người ăn xin mình gặp.

Hầu hết những người ăn xin mình gặp đều tạo cảm giác là mình bắt buộc phải giúp họ, vì hoàn cảnh của họ rất khổ. Có những người thì lại trông rất ghê sợ, tạo áp lực là mình cần cho tiền để xua đuổi họ đi thật nhanh. Mình thì không thích sự thao túng người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. Vì thế thường mình không cho tiền những người ăn xin kiểu này.

Nhưng, cách đây độ 2 năm, ở một đèn đỏ trên đường đi làm về, mình gặp một em bé ăn xin, cỡ chừng 4-5 tuổi. Em bé chỉ bằng tuổi con gái nhỏ của mình. Khác với hầu những em bé ăn xin phải bươn chải sớm thường hay ăn nói lấc cấc chợ búa, thì em bé này rất ngoan.

Em không xin tiền, mà bán mấy cái tăm bông và kẹo cao su, giống như nhiều em bé khác. Nhưng em không chèo kéo, cũng không nhì nhèo, chỉ lặng lẽ chìa hộp tăm kẹo của em cho người đi đường chọn.

Có những người đi đường không mua gì, chỉ thấy thương em, họ cho em vài nghìn lẻ. Mỗi lần ai đó đưa tiền cho em như thế, em đều cảm ơn rất to và lễ phép. Sau đó em đưa lại một món đồ em đang bán, ngang bằng giá trị với số tiền mà em nhận được. Khi người cho tiền nói không cần mua gì đâu, con cứ giữ lấy đi, thì em lại lễ phép cảm ơn một lần nữa. Một lời cảm ơn rất chân thành.

Ngày đầu tiên thấy em bé đó, mình thực sự đã mủi lòng. Em bé lanh lẹ, lễ phép, như đứa con gái nhỏ của mình vậy. Con gái nhỏ của mình, dù không quá sung sướng thoải mái gì, nhưng cũng không đến nỗi đói khổ như em bé kia.

Một đứa bé ngoan như vậy, có 4-5 tuổi thôi, thay vì được cô giáo mầm non đón bồng mỗi sáng, thì em lại phải phơi mặt giữa ngã tư khói bụi này. Hôm đó, mình đã thấm được sự khác biệt của số phận mỗi con người.

Điều đáng quý là dù nhỏ tuổi như thế, không biết ai dạy em, nhưng em có một sự lễ phép mà không phải đứa trẻ sung túc nào cũng có được.

Hôm đấy, mình đã móc hết chỗ tiền lẻ mình có để cho em, một cách hoàn toàn tự nhiên, không hề có cảm giác bị ép buộc phải thương hại một chút nào. Và mình đã cảm thấy ấm lòng khi nhận được những lời cảm ơn lễ phép của em, như bao nhiêu người qua đường hảo tâm khác.

Kể từ đó, thi thoảng mình vẫn cho em bé đó tiền. Có thể nói đó là người ăn xin mà mình cho nhiều tiền và nhiều lần nhất. Cho một cách tự nguyện và thoải mái, như một việc đáng làm, và mình thực sự muốn làm.

Mình có kể câu chuyện về em bé này với một vài người xung quanh. Khi mới nghe câu chuyện, có bạn vẫn nói là em bé đó diễn thôi, mình vẫn bị lừa, vẫn bị đánh vào tình thương và lòng trắc ẩn.

Ừ, mình cũng đồng ý là có thể mình vẫn bị thao túng thật, theo một cách tinh vi hơn. Nhưng nếu kể cả là diễn, với một thái độ “diễn” lễ phép như vậy, thì cũng đáng nhận được tiền từ những người qua đường có thiện cảm như mình lắm chứ.

Kể cả khi em bé đó chỉ nhận được một phần những gì mình cho, ngay cả khi em phải nộp tiền bảo kê cho ai đó, thì cũng có sao đâu. Nửa cốc cà phê, đối với mình, thật chơi vơi nhạt vị. Nhưng số tiền để mua được nửa cốc cà phê đó, có thể giúp em bé cái bánh mỳ, hay một nắm xôi, vậy thì số tiền đó, nào có đáng để phải suy nghĩ quá nhiều. Mình vẫn sẽ chọn cách mù quáng tin vào sự lễ phép chân thành của em bé đó thôi.

Và chiều tối qua, giữa cái rét cắt da cắt thịt của Hà Nội, giữa tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, mình vẫn thấy em bé đó ngồi thu lu ở ngã tư đường. Một em bé lễ phép, với chiếc khẩu trang nhem nhuốc, chắc chắn chưa được tiêm vắc-xin, vẫn đang phải liều lĩnh sinh nhai. Nếu vì diễn mà phải hy sinh đến vậy, có nhận được tình thương thì cũng thật xứng đáng.

Mình lại móc hết chỗ tiền lẻ của mình để cho em..

Cho đi để nhận lại. Một câu nói để động viên mọi người làm nhiều việc tốt hơn. Khi cho đi, thường đâu đó thâm tâm chúng ta cũng hy vọng là sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng đối với mình, cho đi chỉ là để cho đi thôi. Không hy vọng, không phán xét, và cũng không hề nuối tiếc.

Có lẽ, khi cho đi như thế, mình thực sự đã nhận lại được rất nhiều bình yên.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *