Đổ lỗi

Có một sự thật không mới: Khi mọi thứ trở nên xấu đi, con người thường có xu hướng đổ lỗi cho ai đó hoặc cái gì đó bên ngoài. 

Ấy, đừng vội nóng máu nhé. Đừng vội phản ứng lại. Mình không chỉ trích bạn đâu, mình đang nói cả mình nữa đấy. Đổ lỗi là xu hướng của con người. Bạn cũng thế và mình cũng vậy.

…….

Khi bạn đi làm muộn, thường là do cái xe mắc dịch của bạn dở chứng, hoặc những người đi đường mắc cái gì đó không biết, tự nhiên làm tắc đường của bạn.

Khi bạn không đạt được mục tiêu, thường là do cái mục tiêu vô lý; hoặc là có ai đó đã làm chậm nỗ lực hoàn thành mục tiêu của bạn; hoặc là có ai đó đã không nỗ lực giúp bạn hoàn thành mục tiêu.

Khi bạn làm ăn không suôn sẻ, thường là do thị trường không tốt, do đối thủ xấu chơi, do dịch bệnh, thiên tai, thậm chí là do cả khách hàng thiếu hiểu biết.

Khi bạn cảm thấy cuộc sống bế tắc, thường là do xã hội bất công, gia cảnh bất an, người đời lươn lẹo.

Và còn nhiều người khác, nhiều thứ khác, luôn luôn mắc lỗi, thường xuyên đắc tội với bạn. Đúng không?

…….

Tại sao chúng ta lại thường hay đổ lỗi?

Theo nhiều nghiên cứu mình đọc được… ở trên mạng, thì: đổ lỗi là một phản xạ tự vệ. Khi gặp một mối hiểm họa hoặc một áp lực, bản năng sinh tồn mách bảo chúng ta là cần phải bỏ chạy hay phải trút bỏ gánh nặng thật nhanh. 

Đối diện với một lỗi lầm, một sự thất bại cũng tạo nên cảm giác giống như đối diện với một mối nguy vậy. Vì thế, phản xạ tự vệ sẽ thôi thúc chúng ta phải đổ lỗi ngay cho ai đó hoặc thứ gì đó khác để thoát khỏi áp lực khó chịu này. Thoát khỏi buồn phiền, đau khổ, xấu hổ hay cảm giác tội lỗi.

Đổ lỗi có tính lây lan

Khi bạn đổ lỗi cho ai đó, rất nhanh chóng, người đó có thể tìm cách đổ lỗi cho ai đó khác, hoặc đổ lỗi ngược lại cho chính bạn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, chẳng ai muốn giữ cảm giác tội lỗi cho riêng mình cả. Ai cũng tự vệ với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi mối nguy là phải trở thành nguồn gốc của lỗi lầm. Và thế là đổ lỗi lây lan.

Một đứa trẻ chứng kiến cha mẹ của nó đổ lỗi cho người khác, nó cũng sẽ nghĩ rằng đấy là một hành động phù hợp. Và có thể nó sẽ đổ lỗi cho người khác với những lỗi lầm mà nó gây ra trong tương lai. Sự lây lan của đổ lỗi không chừa một ai.

Đổ lỗi có tính gây nghiện

Thử nhớ lại cảm giác của bạn khi đổ lỗi cho một ai đó đi. Rất nhẹ nhõm, rất hả hê, rất phê, phải không nào? Phần lớn các chất gây nghiện đều có thể tạo ra những cảm giác này.

Khi bạn đã đổ lỗi thành công một lần, rất nhanh sau đó, bạn sẽ tiếp tục đổ lỗi thêm những lần khác nữa. Cơn vật của một con nghiện sẽ luôn thôi thúc bạn đổ lỗi ngay lập tức mỗi khi đối diện với một lỗi lầm. Càng ngày bạn càng phụ thuộc vào liều thuốc đổ lỗi đó, không dứt ra được.

Nhưng, đổ lỗi không giúp giải quyết vấn đề

Cũng như bao thứ gây nghiện khác, đổ lỗi không thể giúp bạn giải quyết vấn đề. Một ly rượu, một hơi thuốc, một liều quên lãng, tất cả chỉ giúp bạn nhất thời tạm quên đi thực tại thôi. Nỗi đau, vết thương, khoảng cách, vẫn còn nguyên ở đó.

Bên cạnh đó, người bị đổ lỗi thường không biết, thậm chí họ không quan tâm tới việc giúp bạn khắc phục lỗi lầm. Đồ vật hay thiên nhiên bị bạn đổ lỗi thì lại càng vô tri. Thế nên vấn đề của bạn vẫn đang nằm yên ở đó, để chờ một ai đó giải quyết, hoặc không.

…….

Chiếc xe không tự sửa chính nó được. Người tham gia tắc đường hầu như không ai quan tâm tới vấn đề của bạn là gì. Nếu vì chiếc xe và vì người đi đường, thì bạn vẫn sẽ đi làm muộn, hết lần này đến lần khác.

Những người khác có những mục tiêu của riêng họ. Họ cũng đang phải vật lộn để thực hiện những mục tiêu đó. Họ không thể tự biết bạn cần gì. Nếu vì người khác mà bạn không đạt được mục tiêu, thì mục tiêu mãi luôn vô lý và xa vời.

Thị trường không tự tốt lên được. Đối thủ không tự nhiên lại chơi đẹp với bạn. Doanh số của bạn sẽ không tự tốt lên sau khi thiên tai, dịch bệnh đi qua. Khách hàng sẽ không tự nhiên hiểu và yêu quý bạn. Việc làm ăn của bạn sẽ mãi thật sự khó khăn.

Xã hội vẫn thế, gia đình vẫn vậy, con người cũng vẫn luôn sống với những bản chất của họ. Và dù bạn có kiên trì đổ lỗi cho người khác thì cuộc sống của thế giới vẫn cứ trôi, còn cuộc sống của bạn vẫn mãi bế tắc, như bây giờ.

…….

Vậy, bạn muốn giải quyết vấn đề, đúng không?

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *