Gốc rễ của mọi vấn đề

Có một điều thú vị là khi tìm kiếm nguyên nhân cho một vấn đề, nếu đó là một thành công, thì chúng ta luôn thấy mình góp phần ở trong đó. Còn nếu đó là một thất bại, chúng ta lại luôn thấy mình là nạn nhân, và nguyên nhân gốc rễ của thất bại lại luôn nằm ở chỗ khác.

Bạn không tin? Cứ thử ngẫm mà xem.

Nếu đội bóng của bạn thắng, chắc chắn là do hôm đó bạn đá hay. Kể cả bạn không ghi bàn thì chắc chắn hôm đó bạn cũng đã có hàng nghìn đường kiến tạo hiệu quả. Còn nếu đội bóng của bạn thua thì sao? Thường thì do đối thủ quá mạnh, đối thủ chơi xấu, hoặc do đồng đội của bạn hôm nay xuống phong độ. Rất hiếm khi đội bóng thua là do bạn.

Trong công việc, nếu team của bạn đạt được mục tiêu, thì chắc chắn bạn đã phải nỗ lực rất nhiều. Còn khi không đạt được, thì lại có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do hệ thống máy chủ đợt này tự nhiên hay có sự cố, có thể do đồng đội dạo này hay ốm vặt nên nghỉ nhiều, hoặc thậm chí có thể do chính sếp của bạn không quyết tâm đạt mục tiêu nữa. Còn bạn thì vẫn luôn nỗ lực hết mình.

Trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái, nếu con được điểm tốt, đi thi được giải, được tuyên dương, v.v.., thì bạn sẽ thấy sao mà mình.. đẻ khéo thế. Đẻ con nhà mình mà cứ như con nhà người ta vậy. Haha. Còn khi bạn bị giáo viên gọi ra than phiền là con học kém, mải chơi, hay đánh bạn, v.v… thì sao? Khi đó bạn mới lại thấy là vợ hoặc chồng bạn chẳng quan tâm dạy dỗ con gì cả, hoặc sao con mình nó không ngoan như con nhà người ta, hoặc sao giáo viên không tận tình tới con mình. Và dĩ nhiên là bạn vẫn đang rất nỗ lực, bạn không có lỗi lầm gì trong việc nuôi dạy con cái cả.

À, đừng hiểu nhầm, mình không phê phán hay chỉ trích gì ở đây đâu nhé. Khi bạn chiến thắng một trận bóng, không phải là vì đối thủ của bạn không nỗ lực, thậm chí họ còn đổ mồ hôi nhiều hơn bạn đấy. Chỉ có điều là nỗ lực của bạn đạt hiệu quả cao hơn thôi. Khi bạn thành công, bạn xứng đáng được ghi nhận.

Thế còn khi thất bại thì sao? Khi bạn thất bại, rất có thể nguyên nhân đúng là do người khác gây ra. Nhưng nếu bạn chỉ dừng ở nguyên nhân đó, thì bạn sẽ chẳng học gì được từ thất bại đó cả. Trong các bộ phim, nạn nhân sẽ luôn chờ người khác đến cứu. Chẳng bao giờ họ tự cứu chính mình được.

Đội bóng của bạn cứ gặp đối thủ mạnh hơn là thua. Cứ khi nào hệ thống máy chủ gặp sự cố là team bạn lại không hoàn thành mục tiêu. Cứ khi nào giáo viên hẹn gặp là bạn lại bị mắng vốn vì con học kém. Đó có phải là những kết quả mà bạn muốn nhận được?

Nếu bạn thực sự muốn những điều đó thì cũng tốt, không sao cả. Cứ enjoy những cái moment đó thôi. Mỗi người có một phong cách sống. Mình tôn trọng phong cách sống của bạn. Nhưng hãy thực sự enjoy nhé. Đừng ca cẩm, than phiền hay đổ lỗi cho bất cứ ai. À nhưng nếu bạn enjoy cả việc than phiền và đổ lỗi cho người khác nữa thì mình chịu hẳn. Nhất bạn luôn.

Còn nếu bạn muốn thay đổi hiện trạng, nếu bạn không muốn thất bại nữa, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần nhìn và nghĩ theo một cách khác đi. Có lẽ đã đến lúc bạn cần từ bỏ vai nạn nhân bị trói chân trói tay luôn mồm la hét, để chuyển sang đóng vai người hùng, người sẽ giải cứu bạn khỏi những vấn đề của chính bạn.

Vậy, bạn lựa chọn sẽ trở thành ai, nạn nhân hay người hùng?

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *