Hồi còn là sinh viên, mình hay chơi cái trò nước đến chân mới nhảy. Thường vào các kỳ thi, khi còn khoảng 1 tuần nữa là đến ngày thi thì mình mới bắt đầu học, còn trước đó chỉ là học lờ vờ và chơi là chính.
Được cái khả năng ghi nhớ của mình khá tốt, nên một tuần mình có thể học hết được đề cương và giáo trình của cả một học kỳ. Đến lúc đi thi điểm số của mình cũng không đến nỗi nào. Mặc dù nước đến chân mới nhảy nhưng hiếm khi nào mình bị ngã ướt người. Mình cứ tưởng thế là hay..
Sau này đi làm, mình vẫn tiếp tục chơi trò nước đến chân mới nhảy. Khi mới nhận công việc, mình cứ nhẩn nha nghiên cứu, code kiếc cẩn thận từng biến số một. Xong đến gần hạn chót thì mình mới cuống cuồng bắt đầu làm trâu gấp đôi gấp ba lần bình thường. Kết quả thì sản phẩm của mình làm ra vẫn tốt thôi, nhưng đoạn nước rút chạy deadline thì phải gọi là mệt không thể tả.
Mình cứ chạy deadline mãi như thế, đến kiệt quệ, rồi phát ngấy với nghề. Đã có lúc mình nghĩ hay là cái nghề lập trình này nó phải làm kiểu như vậy. Muốn theo nghề thì phải thế, chẳng thể làm khác hơn. Mình mãi bế tắc, cho đến khi..
Trong một lần vu vơ trên mạng thì mình lại biết được, nước đến chân mới nhảy là một hiện tượng khoa học hẳn hoi, có tên gọi là hội chứng sinh viên. Nôm na thì hội chứng này là xu hướng luôn trì hoãn thực hiện công việc, cho đến gần hạn chót thì mới bắt đầu làm.
Vui cái là hội chứng này không phải là hiếm gặp, mà lại rất phổ biến. Hội chứng này cũng không phải chỉ gặp ở sinh viên, mà rất nhiều người trưởng thành cũng thường xuyên ứng xử như vậy.
Một điều thú vị là kết quả của công việc được thực hiện theo hội chứng này hầu như giống nhau, và thuộc kiểu kết cục có thể đoán trước được.
Ví dụ: bạn hứa hạn chót là 1 tháng sẽ xong, thì 1 tháng sau bạn sẽ làm xong thật. Nhưng nếu bạn hứa 1 tuần xong thì 1 tuần cũng xong luôn. Kết quả của 1 tháng và 1 tuần là hoàn toàn giống nhau: đều tàm tạm, chấp nhận được, chạy được nhưng vẫn lỗi, hoặc thậm chí là không hoàn thành, xin gia hạn tiếp. Rất hiếm trường hợp làm càng lâu thì chất lượng lại càng tốt.
Hội chứng sinh viên có thể dẫn đến 4 hậu quả lớn sau:
- Trễ hẹn, thất hứa và mất cơ hội. Không phải lời hứa nào cũng là nước đến chân. Có những thời điểm ngay trước hạn chót thì nước đã ngập đến mũi rồi. Lúc đó kết cục của bạn sẽ luôn là hứa lại, xin gia hạn thời gian. Nếu người yêu cầu hạn chót cho bạn đồng ý gia hạn thì cũng tốt thôi, nhưng cơ hội thành công thì thường không chờ một ai. Bạn làm chậm thì cơ hội sẽ dành cho đối thủ, đó là điều tất yếu bạn phải chấp nhận.
- Hiệu suất ngày càng giảm sút. Vì làm gấp rút cho xong, nên nợ kỹ thuật của bạn cũng sẽ ngày càng nhiều. Và nợ cái gì thì rồi cũng sẽ đến lúc bạn phải trả giá. Khi phải trả nợ, fix bug sẽ là công việc chính mỗi ngày của bạn, thay vì sáng tạo ra một tính năng mới để đem lại giá trị cho người dùng. Hiệu suất sáng tạo của bạn chỉ bằng một nửa, hoặc thậm chí thấp hơn rất nhiều so với trước cái ngày bạn chạy deadline để chuẩn bị sinh ra cái đống code của nợ này.
- Quá tải, kiệt sức. Cũng vì làm gấp rút, nên bạn sẽ phải làm thêm giờ triền miên để đáp ứng hạn chót. Cái đống nợ kỹ thuật cũng sẽ khiến bạn phải oằn mình khắc phục sự cố hệ thống bất kể ngày đêm. Kiệt sức là điều tất yếu. Thanh xuân của bạn hầu hết để chăm con quái thú mà chính bạn đã góp phần tạo ra.
- Cáu giận, phối hợp kém, mất niềm tin. Làm nghề lập trình, không thể thiếu được tinh thần đồng đội. Thế nên trong đội có một ông nước đến chân mới nhảy, chất lượng làm ra kém, nếu không cáu thì chắc chỉ có thể là yêu. Haha. Còn mất niềm tin vào nhau là điều dễ hiểu. Chuyện phối hợp thì, một ông OT xuyên đêm rồi nghỉ sáng, chiều mới đi làm; một ông đi làm đúng giờ, làm việc hiệu quả, tối về nghỉ; như thế thì phối hợp tốt kiểu gì.
Nguyên nhân của hội chứng sinh viên này thì cũng khá dễ hiểu. Mà thường thì những gì đã rõ nguyên nhân thì cũng dễ khắc phục. Nhưng điều đáng sợ nhất của hội chứng này là: không ai muốn khắc phục.
Người nhận yêu cầu, người thường xuyên vướng phải hội chứng sinh viên thì quá mệt mỏi về những hậu quả kể trên, nên khó có thể tỉnh táo để cải tiến. Nhưng người đưa ra yêu cầu thì lại cũng có thể quá mất niềm tin, nên lại rơi vào hội chứng sinh viên của chính mình: kiểu gì thằng kia nó hứa rồi cũng lại trễ deadline thôi, nên cứ khi nào nó trễ deadline thì mình lại tính tiếp. Đợi người khác trễ deadline để bắt đầu trễ deadline của chính mình. Thật đáng sợ!
Có thể nói, hội chứng sinh viên là một bệnh dễ phát hiện nhưng lại rất khó chữa. Bản thân mình cũng không tự tin là có thể giúp bạn chữa được hội chứng này. Vì thế, mình chỉ dám đưa ra một cảnh báo cho bạn, đó là: Hãy tỉnh táo và cảnh giác với hội chứng sinh viên của chính mình bạn nhé.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi…