Mục tiêu sự nghiệp

Kể từ khi làm quản lý, khi phỏng vấn, có lẽ mình đã hỏi hàng trăm ứng viên một câu hỏi kinh điển: Mục tiêu sự nghiệp của bạn trong 5 năm tiếp theo là gì?

Hơn một nửa số ứng viên không trả lời được câu này. Không sao cả, sống không mục tiêu cũng là một phong cách sống khá phổ biến.

Nửa non còn lại thì trả lời như sách: 2 năm tới em muốn là leader, 5 năm tới em muốn là manager. Ok, cũng hợp lý.

Rồi tiếp theo mình hỏi: Theo bạn, bạn còn thiếu những kỹ năng, kiến thức gì để trở thành leader/manager như mục tiêu bạn muốn?

Phần lớn ứng viên chẳng biết thiếu gì, chỉ biết là thiêu thiếu cái gì đó. Cũng dễ hiểu thôi, 2 năm tới mới làm leader cơ mà. Còn nhiều thời gian để bù đắp mấy cái thiếu thốn đó. Nhưng có thể nói, dù mục tiêu là trở thành leader, nhưng hầu hết các bạn đều không biết làm thế nào để đạt được điều mình muốn.

Một số bạn thì liệt kê ra, nào là kỹ năng lãnh đạo, tạo động lực, lập kế hoạch, quản lý tiến độ, quản trị nguồn lực,… Wow, tốt, vậy là có vẻ các bạn cũng thực sự để tâm đến con đường sự nghiệp của mình.

Câu hỏi tiếp: Thế tại sao bạn lại không trở thành leader/manager ngay từ ngày hôm nay?

Tất cả đều trả lời theo một kiểu hiển nhiên: đã đủ kiến thức đâu mà làm. Chưa đủ kiến thức, mới gia nhập công ty mà xung phong làm leader ngay thì ai cho. Ờ hợp lý, hỏi vô lý thật. Nhưng có thật là vô lý không?

Câu cuối: Bạn muốn trở thành một leader như thế nào? Tất cả những ứng viên mình đã từng hỏi đều không trả lời được câu này.

Điều thú vị là sau vài năm làm việc tại các công ty (từ cũ đến giờ), có khá nhiều bạn cũng đã trở thành leader/manager như các bạn muốn. Nhưng khi mình hỏi lại câu: Bạn muốn trở thành một leader/manager như nào? thì hầu như vẫn không ai trả lời được.

Nhiều khi ngồi nghĩ, manager có lẽ không phải một nghề nghiệp, nó chỉ là một công việc, mà cờ trao đến tay ai thì người đó phất thôi thì phải. Xong khi cờ đến tay, ai muốn phất thế nào thì phất, xuôi ngược kệ nhau. Không phất, vứt cờ đi cũng được.

Rồi nghĩ tiếp, có khi bát nháo như thế nó mới là sự hay ho của sự nghiệp manager. Hỗn loạn như vậy thì mới có công ty này tiến nhanh hơn công ty khác, chứ giống nhau hết thì làm gì còn cơ hội cho những công ty mới, những manager mới. Nhỉ?

Nhưng dù hỗn loạn đến đâu, mình nghiệm thấy một nguyên lý không bao giờ thay đổi: làm manager kém quá dễ, làm manager tốt không khó, làm manager thực sự tốt thì mới là tài.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *