Nhân quả không gần nhau

1. Thông thường, với tư duy tuyến tính vốn có, chúng ta cho rằng: mỗi kết quả đều bắt nguồn do một nguyên nhân nào đó, ngay gần trước đấy.

  • Ví dụ, hôm nay nhảy lên cân thấy béo thì chắc là do dạo này ăn hơi nhiều.
  • Con thi cử bị điểm kém là do tuần trước đó không chịu ôn kỹ bài.
  • Hệ thống gặp sự cố là do package được go-live gần nhất có lỗi.

2. Theo tư duy nhân quả tuyến tính kể trên, lẽ thường, ta cũng hay nghĩ cách giải quyết vấn đề theo nguyên nhân mà ta tìm được.

  • Nếu béo là do ăn nhiều thì ta nhịn ăn là xong.
  • Con bị điểm kém thì cho nó ăn mắng, cho nó ăn đòn để nhớ sau mà học hành tử tế hơn.
  • Có sự cố cứ rollback về bản cũ hơn thì chắc là oke.

3. Nhưng chúng ta không biết rằng, một kết quả nào đó, thường có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân.

  • Béo thì có thể là do lười vận động chứ không chỉ do ăn nhiều.
  • Con bị điểm kém có thể do con bị đau bụng vì trưa ăn nhầm thứ gì đó độc hại nên không đủ sức khỏe để làm bài. Như thế mà đánh mắng con thì được cái gì?
  • Hệ thống gặp sự cố có thể vì kế toán xuất một báo cáo phức tạp nào đó vào đúng giờ cao điểm, chứ package go-live 3 ngày trước thì chẳng liên quan gì.

4. Ta cũng không biết rằng, có nhiều kết quả, được bắt nguồn từ những nguyên nhân rất sâu xa, trong một thời gian dài.

  • Ăn một tuần liên tiếp không thể béo lên hàng chục cân được. Béo là một quá trình.
  • Học kém không phải chỉ do ngày hôm qua lười học, nó có thể đến từ nhiều ngày con ăn uống vạ vật và căng thẳng thức đêm học thi. Để rồi đến ngày thi thì lại suy nhược dẫn đến không đủ thể lực làm bài.
  • Sự cố xảy ra không thể chỉ do một phiên bản go-live lên có bug. Sự cố được hình thành sau cả một quá trình nhiều ngày phát triển tính năng bất cẩn và chủ quan.
  • Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc nhiều cũng là một quá trình. Có thể, nhân sự nghỉ việc hôm nay là do ta đã quá dễ dãi khi tuyển dụng đầu vào trong những ngày trước đó.

5. Và, việc đưa ra giải pháp vội vàng, có thể làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

  • Nhịn ăn có thể gây ức chế và mệt mỏi. Sau 2 tuần nhịn ăn, có thể ta không chịu nổi nữa, và lại ăn thả cửa sau đó. Rồi ta lại béo hơn cả lúc chưa nhịn ăn.
  • Đánh con chỉ làm con sợ và cố gắng học trong ngắn hạn. Về lâu dài, sẽ có một hố sâu ngăn cách giữa bố mẹ và con. Vì không muốn bị trách phạt, đứa trẻ lớn lên sẽ cố gắng làm hài lòng người khác, thiếu chính kiến, và không thể yêu thương bố mẹ như những gì họ muốn.
  • Việc rollback vội vã một phiên bản có thể gây sai lệch về cấu hình, dẫn đến những lỗi dữ liệu tiềm ẩn mà có thể khiến chúng ta phải trả giá trong tương lai.
  • Khi vội vã tuyển dụng người thay thế, rất có thể ta sẽ quyết định nhận những người chưa thực sự phù hợp. Quá nhiều người mới cũng có thể sẽ khiến xáo trộn văn hóa, mâu thuẫn khi tương tác, môi trường thiếu lành mạnh, hiệu suất làm việc giảm. Những điều này có thể lại khiến những người tâm huyết thấy thiếu tin cậy mà từ bỏ chúng ta. Những người mới thì cũng không chịu nổi áp lực phải thích nghi với những khối lượng công việc mà người ra đi bỏ lại, có thể, họ cũng sẽ từ bỏ trong một ngày nào đó.

…….

6. Cách giải quyết triệt để và trọn vẹn cho các hậu quả thì luôn có, nhưng chúng thường không dễ, và thường mất khá nhiều thời gian để thực hiện. Vì thế chúng ta hay bỏ qua những cách này. Ta nghiện những giải pháp ngắn hạn của chính mình. Để rồi vấn đề ngày càng lớn dần.

Rồi đến một ngày, cái quả mà chúng ta đang ăn cũng không biết mọc lên từ những cái nhân độc hại nào nữa…

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *