Có thể bạn đã biết, mỗi người đều có những vùng thoải mái của riêng mình. Vùng đó trông ra sao nhỉ? Đơn giản lắm. Cứ nơi nào bạn cảm thấy quen thuộc hoặc dễ dàng, nơi mà bạn không cảm thấy căng thẳng, đó là vùng thoải mái.
Vùng thoải mái có thể là ngôi nhà của bạn, là bàn làm việc, trong ô tô riêng, quán cà phê quen, v.v.. Đấy, những nơi như vậy, chỉ cần mình gọi tên lên thôi là bạn đã cảm thấy thoải mái rồi, phải không nào?
Nhưng vùng thoải mái không chỉ là không gian hữu hình đâu nhé. Còn có những vùng thoải mái thuộc phạm trù cảm giác nữa đấy. Kỹ năng bạn giỏi nhất, một bộ phim hay, game bạn yêu thích, sự thư giãn không phát biểu gì khi ngồi trong phòng họp, v.v… đó là những vùng thoải mái của cảm giác đấy.
Thế bên ngoài vùng thoải mái là vùng gì? Có nhiều vùng lắm. Vùng sợ hãi, vùng học hỏi, vùng tăng trưởng, vùng thoải mái của người khác… Có thể gọi chung là vùng không thoải mái cũng được.
Vùng thoải mái của mọi người có thể khác nhau. Ví dụ, vùng thoải mái của mình đọc sách lúc 5h30 sáng. Vùng thoải mái của bạn có thể là chạy bộ lúc 5h30 sáng. Hoặc vùng thoải mái của bạn cũng có thể là nằm lướt điện thoại lúc 7h sáng.
Con người cần vùng thoải mái để phục hồi năng lượng. Chẳng ai sống mà cứ căng thẳng, không thoải mái mãi được. Nhưng vùng thoải mái lại không tốt cho việc phát triển bản thân.
Ở trong vùng thoải mái, bạn thường làm những việc dễ dàng, theo thói quen, những việc khiến bạn không phải dùng nhiều sức. Cơ thể và tâm trí của bạn thường chậm lại và không thể phát triển được khi ở trạng thái này.
Ví dụ như khi bạn nằm lướt điện thoại, hầu hết cơ bắp của bạn nghỉ ngơi, hoạt động chính của bạn là bức xúc và hả hê với chuyện thiên hạ. Sự tập trung vào xã hội khiến bạn quên hết âu lo thực tại của mình. Những thứ này giúp bạn cảm thấy rất thoải mái.
Cơ bắp duy nhất phát triển khi bạn nằm lướt điện thoại chắc có lẽ là cơ… ngón tay. Và sự thật thì việc tăng cơ ngón tay cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm đến sự nghiệp của bạn. Sức khỏe của bạn cũng không, kiến thức của bạn chắc cũng thế.
Có một điều thú vị là khi ở quá lâu trong vùng thoải mái, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái nữa. Ví dụ, căn phòng riêng có thể là vùng thoải mái của bạn. Nhưng bạn thử ở trong phòng 1 tháng liền xem, bạn có thấy bức bí như ở trong tù không?
Vậy cần làm gì khi bạn cảm thấy mình ở trong một vùng thoải mái đã đủ lâu? Cần làm gì để lại bắt đầu cảm thấy thoải mái? Hầu hết mọi người đều muốn nhanh chóng thoát ra vũng lầy hiện tại, vũng lầy mà xưa kia đã từng là thoải mái đó.
Nhưng cẩn thận nhé. Bẫy đấy.
Khi thoát khỏi vùng thoải mái, thực tế là bạn lại nhảy vào một vùng thoải mái khác. Một vòng kim tỏa mới. Và nếu không cẩn thận, bạn sẽ rơi vào vòng lặp mới: háo hức, thoải mái, bình yên, bức bí rồi chán nản.
Nếu vội vàng, rất có thể bạn sẽ mãi nhảy từ vùng thoải mái này sang vùng thoải mái khác. Có thể, một ngày nào đó, bạn sẽ lại nhảy về vùng thoải mái mà bạn đã từ bỏ khi xưa. Bạn cứ nhảy mãi. Vô định. Cho đến khi bạn kiệt sức. Và bạn vẫn không cảm thấy đủ thoải mái.
Thế không nhảy nhót thì nên làm gì? Điều phù hợp cần làm trước tiên là… phải bình tĩnh. Hãy bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo về mục tiêu cuộc sống của bạn. Suy nghĩ về vùng thoải mái thực sự bạn mơ ước. Nghĩ xong rồi nhảy.
Đúng không? Không nhé.
Nghĩ xong về mục tiêu, việc cần làm tiếp theo của bạn là… tiếp tục nghĩ. Nghĩ xem làm thế nào để có thể mở rộng vùng thoải mái hiện tại của mình hướng tới mục tiêu cuộc sống, hướng tới vùng thoải mái mà mình mơ ước. Khi bạn suy nghĩ đủ lâu, sẽ luôn có một con đường hiện ra.
Với tấm bản đồ trên tay, khi con đường đã hiện rõ, tiếp tục đừng nhảy nhé. Khổ lắm. Nhảy ra khỏi vùng thoải mái luôn tiềm ẩn rủi ro. Nhẹ là trẹo chân, nặng thì có thể xuống hố, xuống vực đấy.
Chỉ bước thôi. Bước một chân vào vùng không thoải mái to lớn phía trước. Từng bước, từng bước một. Từng bước mở rộng vùng thoải mái của mình để hướng tới ước mơ.
Có thể sẽ lâu đấy. Nhưng cuối cùng, bạn sẽ có một vùng thoải mái đủ rộng của riêng mình. Một vùng thoải mái thực sự khiến bạn thoải mái.